Doanh nghiệp nhà nước gặp khó trong vấn đề cổ phần hóa
Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về công tác triển khai sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan; cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ năm đầu tiên (1993) triển khai thực hiện thí điểm cổ phần hóa đến hết năm 2010, UBND thành phố đã ban hành quyết định cổ phần hóa và hoàn thành thủ tục cổ phần hóa của 103 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, vói tổng số vốn tại thời điểm chuyển đổi là 768 tỷ đồng
Đối với các DNNN độc lập chuyển đổi thành công ty, theo quy định tại Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì phải thực hiện chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về SCIC. Tính đến thời điểm thực hiện chuyển giao, UBND thành phố đã chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại 49 công ty cổ phần về SCIC theo quy định. Hiện còn 7 doanh nghiệp chưa thực hiện chuyển giao, nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn vướng mắc nợ thuế, việc xác nhận công nợ với SCIC, tính lãi chậm nộp tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nên SCIC chưa tiếp nhận hồ sơ chuyển giao.
Giai đoạn 2011- 2015, thành phố đã hoàn thành cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 1.026 tỷ đồng. Hiện còn 4 doanh nghiệp chưa hoàn thành cố phần hóa là Công ty TNHH MTV: Thoát nước, Môi trường đô thị, Quản lí và kinh doanh nhà, Thương mại đầu tư và phát triển đô thị do các đơn vị này gặp khó khăn trong vấn đề phân loại tài sản, các khoản vay phải trả.
Trong giai đoạn tới từ 2017- 2020, ba doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hải Phòng, Môi trường đô thị Hải Phòng, Thương mại đầu tư và phát triển đô thị phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2019. Về thoái vốn nhà nước với các công ty, thành phố yêu cầu thoái hết vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Phục vụ mai táng, thoái bớt vốn nhà nước với 4 công ty cổ phần xuống còn 51% là Công ty Cấp nước Hải Phòng, Bến xe Hải Phòng, Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng, Đường bộ Hải Phòng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần rà soát xem đơn vị nào đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần của Sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương của thành phố trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp và trình bày rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa mà doanh nghiệp gặp phải mong được UBND xem xét giải quyết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các Sở, ngành. UBND thành phố sẽ xem xét tới những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình thực hiện đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Đối với 4 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa cần phải có báo cáo cụ thể về tình hình kinh doanh, phương án cơ cấu lại sản xuất, sử dụng đất sao cho hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào năm 2019. Đồng chí cũng nhấn mạnh trong quá trình cổ phần hóa không được phép để thất thu tài sản nhà nước, phải đảm bảo cán bộ công nhân viên có mức sống bằng hoặc tốt hơn trước khi cổ phần hóa.
V. Trung – H. Phong
|