Một số biện pháp chỉ đạo trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn chuyển mùa
|
22/11/2011 - 09:52
|
Một số biện pháp chỉ đạo trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn chuyển mùa
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản đang bước vào thu hoạch, thời gian thu hoạch trùng với giai đoạn chuyển mùa của thời tiết. Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, thời tiết biến đổi thất thường, nhiệt độ nước chênh lệch ngày - đêm, cường độ chiếu sáng trong ngày thay đổi lớn… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản nuôi. Sự biến đổi thất thường của thời tiết cũng tác động xấy đến diễn biễn bất thường môi trường nước ao, đầm nuôi; đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Để khắc phục những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khí hậu, bảo vệ kết quả nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện thực hiện các nội dung sau: 1. Tập trung chăm sóc, quản lý ao, đầm nuôi; cho thủy sản nuôi ăn thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, định kỳ bổ sung Vitamin, chất khoáng, bột tỏi… Thu tỉa các sản phẩm thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, không nên lưu giữ chờ giá; thu hoạch đúng mùa vụ; tận dụng hợp lý thời gian gián đoạn giữa hai vụ nuôi để cải tạo, tiêu diệt và ngắt mầm bệnh còn ẩn chứa trong bùn đáy ao, đầm nuôi. 2. Luôn giữ mực nước trong ao nuôi ổn định. Thường xuyên theo dõi diễn biến màu nước, biến động của các chỉ số môi trường, định kỳ 2 tuần 1 lần bón vôi khử trùng cho ao với liều lượng 2-3kg vôi bột/100m3 nước ao để cải tạo chua phèn và kìm hãm các loại vi khuẩn gây bệnh cho đối tượng nuôi, nên sử dụng thêm các loại thảo dược như: lá xoan, dây giác, cỏ mực đập dập rồi bó hoặc bọc trong lưới cước treo (mỗi lần từ 5-10kg) ở chỗ cho cá ăn để phòng ngừa các bệnh ký sinh trùng. 3. Khi nhiệt độ nước dưới 15o¬C, giảm lượng thức ăn, cho ăn vào thời điểm nhiệt độ cao trong ngày, thức ăn giàu protein, vitamin tổng hợp, định kỳ 2 lần/tuần bổ sung các chất khoáng, Vitamin C, E từ 4-5g/kg thức ăn để nâng cao sức đề kháng phòng chống rét cho đối tượng thủy sản nuôi, nhất là với đàn cá bộ mẹ đang trong thời gian nuôi vỗ. 4. Đối với đàn cá giống lưu giữ qua đông, cần: Chọn ao nuôi ở những khu vực khuất gió Đông Bắc, có nguồn nước bổ sung ổn định, chủ động, thuận lợi cho việc cấp thoát nước; đàn giống phải khỏe mạnh, đạt cỡ giống cấp II (6-8cm) trở lên. Nâng và giữ mực nước ao từ 1,5m trở lên, trên mặt ao theo hướng Đông Bắc thả 2/3 bèo tây hoặc dùng bạt che để chắn gió, góc ao để những giá thể làm nơi tránh rét, trú ẩn của cá. 5. Các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng, ương giống và sản xuất giống thuỷ sản: Cần chú ý theo dõi thông tin dự báo thời tiết, tăng cường công tác chăm sóc, quản lý ao nuôi, tranh thủ thời tiết ấm bổ sung thức ăn giàu protein, vitamin tổng hợp, chất khoáng để nâng cao sức đề kháng phòng chống rét cho đàm tôm, cá nuôi, nhất là với đàn cá bố mẹ đang trong thời gian nuôi vỗ. Lập kế hoạch sản xuất và chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học,... để xử lý kịp thời khi sự cố môi trường, dịch bệnh xảy ra. Đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thường xuyên cập nhận tình hình nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn cụ thể biện pháp kỹ thuật nuôi và phòng chống rét cho đàn thủy sản nuôi. Khi có sự cố xảy ra cần thông báo kịp thời về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp chỉ đạo, xử lý./.
|
|
|