ĐH Lao động và Xã hội: Khẳng định chất
lượng trong đào tạo Công tác xã hội
Hiện nay, trường Đại học Lao động và Xã hội
(ĐHLĐXH) đang dẫn đầu cả nước về quy mô lẫn chất lượng đào tạo nghề Công tác xã
hội (CTXH). Không chỉ có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, hệ thống
giáo trình đầy đủ mà nhà trường còn đặc biệt chú trọng hợp tác với các tổ chức
quốc tế trong đào tạo thực hành cho sinh viên. Tạp chí GĐ&TE đã có cuộc phỏng vấn
Tiến sĩ Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa Công tác xã hội để tìm hiểu rõ hơn về vấn
đề này.
Tiến sĩ Bùi Thị Xuân Mai thay mặt Khoa CTXH nhận
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về những thành tích đóng góp trong đào tạo
nghề CTXH
100% giảng viên được đào tạo ở nước ngoài
Xin chào tiến sĩ! Xin bà giới thiệu vài nét cơ bản
về quá trình đào tạo chuyên ngành CTXH ở Trường ĐHLĐXH hiện nay?
Khoa CTXH được chính thức thành lập năm 1997 với
chức năng, nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về CTXH trình độ cao đẳng.
Năm 2005, khi trường được nâng cấp thành trường đại học (ĐH), khoa CTXH có chức
năng nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về CTXH trình độ ĐH.
Số sinh viên (SV) CTXH được khoa đào tạo không ngừng
tăng theo thời gian và luôn luôn vượt chỉ tiêu, tăng từ 300-400 SV/năm. Thậm
chí, trong hai năm gần đây, con số này đã lên tới trên 500 SV/năm. Hiện nay,
khoa CTXH có 42 lớp với 2.400 SV học tại trường cũng như tại các tỉnh, thành
trên cả nước.
Bên cạnh đào tạo hệ chính quy, tại chức về CTXH,
khoa còn tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ CTXH cho hàng nghìn cán bộ của
ngành LĐTBXH và các sở LĐTBXH, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ, các trung tâm bảo
trợ xã hội, mái ấm, nhà mở, trung tâm tư vấn, làng SOS… Trung bình hàng năm,
khoa tham gia tập huấn cho khoảng 1.000, thậm chí có năm lên tới 2.000 cán bộ
đang làm việc về CTXH.
Với những nỗ lực này, khoa CTXH đã góp phần đào tạo
nguồn nhân lực về CTXH, giúp cho Đề án 32 có thể đạt được mục tiêu đến 2020 có
60.000 nhân viên CTXH được đào tạo mới và đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình
độ chuyên môn. Khoa CTXH của trường ĐHLĐXH cũng là một trong những đơn vị tiên
phong trong chương trình đào tạo bằng tiếng Anh cho SV. Đã có 2 lớp với gần 60
SV đã được hưởng lợi qua học chương trình này, giúp các em được giao lưu với
các chuyên gia nước ngoài, nâng cao trình độ tiếng Anh…
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành CTXH thì vấn
đề quan trọng nhất là phải có đội ngũ người thầy có chất lượng. Xin bà cho biết
về đội ngũ giảng viên CTXH của nhà trường và những giải pháp thu hút và nâng
cao chất lượng đội ngũ này?
Năm 1997, khoa CTXH được thành lập. Khi đó, khoa
mới chỉ có 3 bộ môn với 6 giảng viên cơ hữu và 4 giảng viên kiêm chức. Đến nay
(năm 2014), khoa đã có sự phát triển lớn với 5 bộ môn, 1 Trung tâm Phát triển
Công tác xã hội với tổng số 29 người, trong đó có 97% giảng viên là thạc sĩ và
tiến sĩ. Hầu hết số giảng viên giảng dạy CTXH của khoa đã có bằng thạc sĩ, tiến
sĩ về CTXH được ở nước ngoài đào tạo (Canada, Hàn Quốc, Phillipines).
Trong năm 2015 và 2016, sẽ tiếp tục có 2 tiến sĩ
về CTXH từ Canađa và Úc trở về khoa. Như vậy, tới năm 2016, khoa sẽ có 5 tiến
sĩ về CTXH được đào tạo từ nước ngoài.
Bên cạnh đào tạo chính quy giảng viên về CTXH,
khoa còn tổ chức nhiều khóa tập huấn do các giáo sư, chuyên gia CTXH nước ngoài
giảng dạy nhằm nâng cao, cập nhật các kiến thức, kỹ năng về CTXH cho các giảng
viên của khoa.
Thế mạnh về số lượng giảng viên CTXH có trình độ
chuyên môn của khoa là những người được đào tạo bởi nước ngoài (100%) đã không
chỉ giúp tăng cường đào tạo CTXH có chất lượng cho nhà trường mà cho nhiều trường,
đơn vị có nhu cầu đào tạo CTXH trong cả nước.
Chú trọng khâu thực hành trong đào tạo
Theo bà, đâu là thế mạnh về đào tạo nghề CTXH của
ĐHLĐXH được nhiều người biết đến?
Hiện nay, khoa đang đào tạo hệ ĐH và trong năm
2015 sẽ đào tạo thêm hệ Cao học ngành CTXH. Có thể nhận định rằng, khoa CTXH là một trong những
nơi đi đầu về biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho đào tạo CTXH của trường
cũng như đào tạo CTXH ở Việt Nam. Tính từ năm 2000 đến nay, đặc biệt từ khi có
Đề án 32, khoa đã biên soạn và xuất bản 20 đầu giáo trình phục vụ cho đào tạo hệ
ĐH về CTXH được dùng trong trường ĐHLĐXH và nhiều trường ĐH khác có tham gia
đào tạo CTXH.
Hợp tác quốc tế và trong nước (UNICEF, FHI, VNAH,
AP, CFSI, CRS và Cục Bảo trợ...) để biên soạn và xuất bản 27 đầu giáo trình, tài
liệu phục vụ đào tạo ĐH và sau ĐH, tập huấn nâng cao về lĩnh vực chuyên sâu
như: CTXH với người nghiện, CTXH với người khuyết tật, CTXH với người có HIV,
CTXH về sức khỏe tâm thần, Giới và phát triển.
Trong đào tạo, khoa CTXH luôn chú trọng tới thực
hành tay nghề cho người học. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai thực
hành CTXH, nhưng khoa đã tìm các nguồn lực cả về kỹ thuật cũng như tài chính để
giúp cho SV được thực hành tại cơ sở, địa bàn dân cư có vấn đề xã hội cần giải
quyết.
Theo phương châm “học đi đôi với hành” nên khoa
CTXH đã triển khai rất nhiều hoạt động với các tổ chức quốc tế cho SV có cơ hội
thực hành như:
- Hợp tác với tổ chức Action Aids đưa SV tham gia
thực hành qua các dự án tại cộng đồng nghèo qua chương trình Sáng kiến vì thế hệ
trẻ, nhằm trợ giúp người nghèo tại Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai
Châu, Điện Biên…
- Hợp tác với CRS đưa SV tham gia chương trình trợ
giúp trẻ có HIV tại Hà Nội, Sơn Tây.
- Chương trình thực hành quản lý trường hợp với
người nghiện của dự án FHI.
- Với Oxfarm về quản lý ca tại Thái Bình.
- Chương trình với Miserior cho SV thực hiện mô
hình trợ giúp người nghèo qua kỹ thuật CTXH tại khu vực nông thôn nghèo của Hà
Nội...
Hợp tác quốc tế cũng là một trong những thế mạnh
của nhà trường. Vậy theo bà, làm thế nào để nâng cao hiệu quả và thu hút được
nhiều nguồn tài trợ quốc tế trong đào tạo?
Có thể nói khoa CTXH là một trong những đơn vị dẫn
đầu trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực CTXH và đào tạo CTXH. Trong xu hướng hội
nhập quốc tế, đồng thời được sự tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường, khoa đã
chủ động xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH ở các nước
trên thế giới.
Tính đến nay, khoa CTXH đã hợp tác với 13 trường
ĐH nước ngoài như: Mỹ, Canada, Thuỵ Điển, Úc, Singapore, Phillipines, Hàn Quốc,
Thái Lan. Ngay từ năm 1997, khoa đã xây dựng dự án hàng triệu đô la để hợp tác
đào tạo những thạc sĩ CTXH đầu tiên ở Việt Nam phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu
CTXH.
Hiện nay, nhà trường cũng hợp tác với trên 20 tổ
chức quốc tế khác như: UNDP, ILO, UNICEF, AP, UNPA, UNIFEM, CFSI, CRS,
Actionaid, CWS, Radda Barnen, FHI, VNAH, Worl Vision, REI, HAGAR, Crosspoint,
Miserior, Oxfarm Qebec, Oxfarm Novib, ISDS...
Sinh viên CTXH khi tham gia phát triển cộng đồng
(ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân)
Việc tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước đã đem lại cho
giảng viên và SV của khoa CTXH có cơ hội được trải nghiệm thực tế, tích lũy
kinh nghiệm, góp phần làm cho bài giảng phong phú hơn, tăng cường nghiên cứu
khoa học, xây dựng giáo trình cũng như xây dựng đội ngũ không chỉ cho khoa CTXH
của ĐHLĐXH mà còn cho nhiều trường bạn.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
|